Hồi ôn thi đại học, khi làm đề chúng ta đối mặt với ngân hàng đề thi mà không có câu hỏi nào trùng nhau y chang cả, nhưng tại sao chúng ta vẫn vượt qua. Đó là do chúng ta nắm và làm chủ được các ”dạng bài” và phương pháp làm với các dạng bài đó. Tôi ví dụ như môn Toán, các bạn có giải 1000 đề Toán thì khi vào phòng thi chúng ta cũng không bao giờ gặp trúng y chang số liệu 1 bài nào cả, nhưng chúng ta luôn “gặp lại” các “dạng đề”. Hàm số, phương trình, tích phân, bất đẳng thức... là các ”dạng bài” mà gần như đề nào chúng ta cũng gặp. Nên đôi khi làm 1-2 đề thì thấy các đề sau đều na ná nhau.
“Câu hỏi” thì vô số, nhưng các “dạng bài” thì chỉ có một số ít. Điều quan trọng là nắm vững cách giải các “dạng bài” để khi lâm trận dù số liệu đã bị thay đổi chúng ta vẫn tìm ra đáp số đúng.
Chứng khoán cũng vậy, nếu là một người thuần phân tích kỹ thuật (trader) thì không nói làm gì, nhưng là một nhà đầu cơ thì chúng ta vẫn phải hiểu câu chuyện doanh nghiệp thúc đẩy giá cổ phiếu tăng/giảm, có nghĩa là câu chuyện (story) đó ảnh hưởng thế nào đến FA của doanh nghiệp, đến định giá của doanh nghiệp và thay đổi thế nào cách nhìn nhận của thị trường đối với doanh nghiệp đó. Nhưng có 1000 doanh nghiệp trên sàn, chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy nản rồi. Tuy nhiên, cũng giống như đi thi, dù có hàng ngàn “câu hỏi” thì tựu chung lại các “dạng bài” cũng chỉ có một số ít. Doanh nghiệp có 1000 hay 10,000 thì vẫn chỉ thuộc các nhóm ngành chính như ngân hàng, bất động sản, sản xuất, bán lẻ... Việc nắm được đặc thù và cách phân tích các ngành này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì các doanh nghiệp trong ngành có thể ban lãnh đạo khác nhau, chiến lược kinh doanh khác nhau...nhưng khi hoạt động trong cùng một ngành nó đều mang những “đặc thù” (business model) của ngành đó, kể cả các doanh nghiệp đa ngành nghề thì cũng chỉ là tập hợp các ngành nghề khác lại với nhau. Bạn không thể phân tích và định giá một ngân hàng theo cách thức của một doanh nghiệp vật liệu xây dựng, cũng giống như bạn không thể làm bài tập hình học như làm một bài hàm số được.
Việc nắm rõ phương pháp và cách thức phân tích một ngành thì khi gặp một doanh nghiệp nào đó “lạ” nhưng thuộc một “ngành” mà chúng ta đã vững thì cũng giống như đi thi gặp lại “dạng bài” nhưng “số liệu” đã được thay đổi, chúng ta dễ dàng nhìn thẳng vào bản chất vấn đề.
Vì vậy khi phân tích doanh nghiệp, quan trọng nhất là phải biết phân tích ngành, cũng giống như nắm rõ cách giải các dạng bài tập (hàm số, phương trình hay tích phân vậy) dù thị trường có ra cho chúng ta 1000 câu hỏi (doanh nghiệp) thì chúng ta cũng vẫn luôn có biết cách nắm được “sợi dây” logic để giải bài tập đó mà không nao núng hay bị bất ngờ.
Nắm được cách phân tích ngành là nắm được chìa khoá để phân tích doanh nghiệp, khi khi đó chúng ta mới biết là cần nhìn vào đâu trong một mớ hỗn độn. Những nhà đầu cơ cần phải phân tích nhanh một cách có trọng điểm, phân tích 20% thông tin/dữ liệu nhưng có thể tạo ra 80% giá trị (khả năng tăng giá của cổ phiếu). Trong khi những người không biết cách phân tích ngành, thường sa lầy vào chi tiết, tủn mủn, họ dành 80% thời gian công sức chỉ để phân tích những thứ không trọng tâm và dẫn đến chỉ tạo ra 20% giá trị.
Chúng ta không bao giờ đủ nguồn lực để biết hết tất cả các doanh nghiệp, nhưng chúng ta lại đủ thời gian để học cách phân tích một số ngành chính. Cũng tương tự như ôn thi đại học, chúng ta không đủ thời gian để giải hết tất tần tất hàng triệu “câu hỏi”, nhưng luôn đủ thời gian để tập trung nắm vững các “dạng đề”. Như vậy, dù rơi vào câu hỏi nào đi nữa nếu nhận diện được dạng đề thì mọi thứ sẽ rõ ràng hơn rất nhiều
---
Chat với Admin: m.me/nhadauco8020
Comments
Post a Comment